Hiện nay, việc đầu tư phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên, được rất nhiều các trường đại học chú trọng vào đầu tư giảng dạy. Tuy nhiên, chỉ rèn luyện kỹ năng mềm thông qua các tình huống được mô phỏng lại, chưa thể giúp sinh viên mới ra trường có thể tự tin hơn trong việc phát triển bản thân và nhất là vận dụng vào quá trình xin việc.
Có rất nhiều dạng kỹ năng mềm khác nhau mà bạn không thể nào học hết ở môi trường giảng đường. Vì vậy, chúng tôi xin chia sẻ với bạn, những kỹ năng mềm quan trọng nhất mà bạn cần phải tự rèn luyện ngay từ bây giờ để có thể dễ dàng chinh phục nhà tuyển dụng trong lần phỏng vấn đầu tiên.
1. Kỹ năng giao tiếp
Một trong những cơ sở đầu tiên mà nhà tuyển dụng có thể nhìn nhận bạn có phải người mà học muốn tìm kiếm cho vị trí của công việc đó hay không, phụ thuộc cách giao tiếp của bạn. Chỉ một vài câu chào hỏi đơn, cách trò chuyện bình thường, nhưng điều đó cũng phản ánh được khả năng giao tiếp mà bạn có được. Nếu quá e dè, hay ngại ngùng trong cách ăn nói, điều đó chứng tỏ bạn không hề chủ động và sẵn sàng hòa nhập tốt vào môi trường làm việc, lâu dần nó sẽ trở thành một rào cản lớn trong công việc, lẫn mối quan hệ xã hội của bạn.
2. Kỹ năng lắng nghe
Nhiều người có khả năng giao tiếp ổn nhưng lại thiếu đi mất kỹ năng lắng nghe, đó cũng là một điểm trừ rất lớn trong mắt nhà tuyển dụng. Hơn nữa, trong môi trường làm việc nếu bạn không biết vận dụng kỹ năng lắng nghe để nắm bắt được những điều mà khách hàng cũng như đồng nghiệp cần, thì hiệu quả công việc sẽ bị giảm sút đi rất nhiều. Đặc biệt, là trong những trường hợp phải lắng nghe sự phê bình, khiển trách của cấp trên, nếu bạn không chấp nhận được thì có thể bạn sẽ không trụ vững được lâu với công việc.
3. Kỹ năng quản lý cảm xúc
Cảm xúc cũng đóng một vai trò quan trọng trong công việc, những người lãnh đạo giỏi thường quản lý cảm xúc cá nhân rất tốt. Nếu bạn là mẫu người thường làm việc dựa vào cảm xúc nhiều hơn, thì điều đó là một yếu điểm mà bạn không nên thể hiện nó trong buổi phỏng vấn. Một nhân viên biết kiềm chế cảm xúc của bản thân sẽ dễ dàng tiếp xúc với đồng nghiệp và khách hàng nhiều hơn, ngược lại một nhân viên luôn cáu gắt và dễ nổi giận sẽ làm giảm chất lượng công việc và ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp. Các nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao những người biết điều chỉnh cảm xúc, vì điều đó thể hiện họ là những người chịu được áp lực công việc và có thái độ cầu tiến cao.
4. Kỹ năng làm việc nhóm
Bạn giỏi, bạn có năng lực nhưng lại không thể làm việc cùng bất kỳ ai, chỉ vì lý do là bạn cảm thấy không hợp. Đó là một trong những vấn đề mà đa số các bạn trẻ hiện nay gặp phải, họ chỉ làm việc tốt khi hoạt động độc lập, nhưng khi kết hợp với nhiều người họ lại không thể hoà nhập và cùng nhau triển khai ý tưởng công việc.
Bạn nên nhớ không một ai có thể tiến xa nếu đi một mình, vì vậy nếu bạn đang yếu về kỹ năng làm việc nhóm, thì ngay bây giờ nên tìm cách nâng cao kỹ năng này hơn nữa. Vì đây là một trong những kỹ năng mà bất kỳ công ty nào cũng xem trọng đối với nhân viên.
5. Kỹ năng quản lý thời gian
Nếu bạn là người luôn biết lên kế hoạch cho công việc một cách cụ thể, thì chắc chắn thời gian làm việc của bạn sẽ được quản lý hiệu quả hơn rất nhiều. Nếu khi đi học, bạn bị trễ giờ cùng lắm bạn sẽ mất đi kiến thức mà thầy cô đã dạy, tuy nhiên khi đi làm nếu bạn không sắp xếp được thời gian làm việc của mình, bạn sẽ gây ảnh hưởng không hề nhỏ đến hiệu quả công việc, nghiêm trọng hơn là làm chậm trễ cả một dự án công ty. Chắc chắn đó sẽ là việc vô cùng tồi tệ, vì vậy học cách quản lý thời gian của bản thân là một cách giúp bạn luôn luôn chủ động trong công việc, mà không cần bị phàn nàn hay nhắc nhở.
6. Kỹ năng giải quyết vấn đề
Một người linh hoạt luôn biết cách giải quyết vấn đề công việc một cách nhanh chóng. Nhà tuyển dụng thường đánh giá rất cao, những người có khả năng linh hoạt trong xử lý công việc và đưa ra những quyết định đúng đắn trong những tình huống bất ngờ. Đây cũng là một trong những lợi thế giúp bạn có thể nhanh chóng tiến xa hơn trong công việc, so với những người thiếu quyết đoán và hay đùng đẩy trách nhiệm công việc cho người khác.
Kỹ năng mềm không phải là một môn học mà bạn chỉ cần học thuộc lý thuyết hay áp dụng đúng công thức sẽ cho ra một kết quả đúng. Mà nó còn đòi hỏi người học phải biết vận dụng nhiều khả năng tư duy khác nhau, trong đó có cả việc rèn luyện và không ngừng thử thách bản thân để có thể hoàn thiện các kỹ năng còn thiếu. Do đó, không chỉ nhà trường tạo điều kiện đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên, mà kể cả bạn cũng phải tự tạo cho mình những cơ hội để nâng cao những kỹ năng mà mình còn thiếu để có thể được cơ hội nghề nghiệp như bản thân mong muốn.